

Khi chúng tôi hỏi về những phản ánh hiện nay đây là khu phố Tàu thì Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết: “Với kiến trúc này mà nói là kiến trúc Tàu hay Trung Quốc gì đó mà một số trang báo mạng đang nói hiện nay thì chúng tôi cũng không có cơ sở nào để khẳng định”.
Theo ông Thể, trong quá trình kiểm tra công trình thì xuất hiện 5 người Trung Quốc cùng với người phiên dịch đến xem công trình. “Tôi không hiểu họ nói gì. Những người này sau đó được Công an Quận mời về nơi làm việc để kiểm tra thông tin” ông Thể nói.
Được biết, qua kiểm tra của lực lượng an ninh thì trong 5 người Trung Quốc có một người sử dụng hộ chiếu hình lưỡi bò của Trung Quốc. Công an quận Cẩm Lệ đã mời về nơi làm việc, hiện đã xử lý những trường hợp này.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung - Giám sát thi công công trình cho biết: Công trình này có tên là Khu "Trưng bày Trà, cà phê Việt- Đà Nẵng", được thiết kế theo kiến trúc cổ Hội An.
Theo bản thiết kế và hiện trạng xây dựng đây là "Trung tâm giới thiệu trà và đặc sản Việt Nam", công trình này xây dựng trên diện tích 2.000m2, được chia làm 3 khối, khối nhà văn phòng làm việc rộng 200m2, khối nhà trưng bày trà và cà phê được cho là " khu phố Tàu" được xây dựng hai bên mỗi bên gồm 3 căn nhà có diện tích khoảng 76 m2, chính giữa hồ nước làm điểm nhấn cảnh quan. Một khối tiếp theo làm nơi thưởng thức trà và cà phê có diện tích 540m2. Diện tích còn lại bố trí cảnh quan, trang trí kiến trúc.
Các khối nhà này có chiều cao từ 2,7 đến 4m. Vật liệu tường, trần chủ yếu bằng thạch cao, tường gạch chỉ xây dựng ở 3 mặt chung quanh. Công trình vẫn sử dụng mái vòm cũ, chỉ cải tạo lại bên trong kho cũ của Vietmay, không xây dựng mới hoàn toàn. Công trình thi công từ ngày 15 tháng chạp năm 2016. Dự kiến hoàn thành phần xây dựng vào cuối tháng 3 này.
Trước thông tin rằng một công trình xây dựng đến khi gần hoàn thiện thì địa phương quản lý mới phát hiện, ông Võ Linh Thể, Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho rằng: Đối với việc cơ quan chức năng không phát hiện công trình này là do đơn vị này thuê sử dụng lại kho cũ của Vietmay. Trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng lại đi vào cổng chính của kho như đơn vị vận chuyển hàng hóa của Vietmay. Bên ngoài công trình vẫn không có đập phá xây dựng nên cơ quan chức năng địa phương khó mà phát hiện được. Khi đơn vị thi công đập phá bờ tường nhà kho mở cửa hông thì cơ quan chức năng mới phát hiện. Ngay sau khi phát hiện đã tiến hành kiểm tra và xử lý kịp thời vi phạm của đơn vị. Hiện nay toàn bộ công trình dừng thi công, chờ ý kiến từ cơ quan chức năng cấp trên.
“Đến tại thời điểm này các đơn vị liên quan cũng chưa cung cấp cho chúng tôi giấy phép xây dựng công trình và các giấy tờ hợp lệ khác. Theo quy định của Chính phủ thì trong thời gian không 60 ngày, nếu không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến công trình thì chủ đầu tư này phải tự giác tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì UBND phường buột phải cưỡng chế tháo dỡ”, ông Thể cho biết thêm.
UBND thành phố Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Thương Mại- Dịch vụ Việt May với diện tích trên 7.000m2, với mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh từ năm 2007.
Công ty Việt May đã sử dụng diện tích đất này làm kho chứa hàng. Trong quá trình sử dụng, không hết diện tích, tháng 11 năm 2016 Công ty Việt May đã cho Công ty TNHH Liên Hợp Thế Duy có trụ sở tại Đà Nẵng thuê 2.000m2.
Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên thì đây là hợp đồng thuê kho, mục đích thuê làm kho trưng bày trà và cà phê Việt. Thời hạn thuê là 5 năm.
Hàn Giang
>> Phát hiện 5 người Trung Quốc tại “công trình bí mật 2.000m2” ở Đà Nẵng
Mời các bạn tham gia vào Diễn đàn chuyên sâu: Doanh nhân, Doanh nghiệp, Diễn đàn bất động sản, Khởi nghiệp, Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn Tài chính
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.
Thông báo từ Enternews.vn